• Tiếng Việt
  • English
  • 中文 (中国)

0888 033 669

Tìm tour
Nơi khởi hành
Loại tour
Nơi đến
Ngày khởi hành
Dòng tour
Giá

Phong tục Tết cổ truyền Việt Nam.

Phong tục tập quán Việt Nam vô cùng đặc sắc và phong phú với nhiều lễ hội ở khắp các vùng miền. Nhưng gợi nhớ và quan trọng nhất đối với người Việt không gì khác chính là ngày Tết cổ truyền hay còn gọi là Tết Nguyên Đán, dịp mà toàn dân tộc Việt đều hướng về. 

Có thể nói, Tết là dịp để những người con gốc Việt hướng về nhau và hướng về cội nguồn, là dịp đoàn viên sum vầy, là dịp để gia đình, người thân, bạn bè có thể gặp gỡ và trao cho nhau những lời tốt lành, an nhiên. 

Tết Nguyên Đán diễn ra theo lịch phương Đông bắt đầu từ ngày 1/1 đến 3/1 hằng năm, là 3 ngày lễ Tết chính nhưng có lẽ nhắc đến Tết, mọi người vẫn thường hoài niệm và rộn ràng hơn hết là vào những ngày cận Tết, 29 hay 30 tháng Chạp ( tháng 12 theo lịch âm). 

Để chuẩn bị cho Tết không phải là điều đơn giản, người ta chăm chút từng tí một từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ những điều vụn vặt nhỏ nhặt đến những chi tiết lớn lao, là dịp để con người ta vừa thể hiện sự no đủ sum vầy cũng là dịp để tự thưởng cho bản thân thảnh thơi sau một năm mệt nhoài nhiều ưu tư. Thế nên, Tết với mỗi gia đình phải chu toàn và đủ đầy. 

Nếu đi một vòng đường để hỏi ai đó nhớ gì nhất về những ngày Tết, sẽ có hàng tá những lý do để người ta kể mãi không hết nhưng nhớ thương nhất là những ngày gần cuối năm. Cái rộn ràng tất bật chuẩn bị Tết, tuy lỉnh kỉnh và nhiều phong tục, nhưng như vậy thật mới là Tết của mỗi người. Lễ Tết Việt Nam hiển nhiên ai cũng quen thuộc, 7tours chỉ gợi một số phong tục thân thương nhất để gợi nhắc không khí khi dịp Tết đến Xuân về. 

1.Tất niên

Một trong những lễ cuối năm mà nhà nhà đều phải chuẩn bị như là một nghi thức nhằm ghi nhận việc kết thúc một năm và chuẩn bị bước sang năm mới. Lễ Tất niên cuối năm sẽ diễn ra theo thời gian tùy mỗi gia chủ nhà lựa chọn, thường sẽ là diễn ra từ ngày 15 tháng chạp trở đi, và đa sốcác gia đình có bàn thờ gian tiên sẽ làm lễ Tất niên vào ngày cuối năm 29 ( nếu năm thiếu) hoặc 30 ( nếu năm đủ) hay còn gọi là lễ rước Ông, bà. Đây sẽ là dịp ông bà, con cháu cùng nhau sum vầy bên mâm cơm, cùng kể chuyện rôm rả một năm qua và gạt bỏ đi những điều không như ý. 

Cũng tùy vào phong tục và điều kiện của mỗi gia đình, mỗi vùng miền mà mâm cỗ Tất niên sẽ có những lễ nghi khác nhau hoặc thịnh soạn hoặc thanh đạm. Tuy vậy, lễ cúng vẫn cơ bản phải đủ các loại như: hương hoa, vàng mã, rượu, trầu cau, các món ăn mặn hoặc ngọt,… 

2. Lễ cúng ông Công, ông Táo. 

Theo tín ngưỡng dân gian quan niệm: mỗi gia đình đều có một vị “thần Bếp” coi quản cuộc sống của gia đình họ, đến cuối năm sẽ về trời tâu với Ngọc Hoàng những việc xảy ra trong gia đình, thế nên mặc dù lễ cúng không khoa trương, không mời khách đông đúc nhưng luôn được coi trọng và phải tổ chức hằng nằm vào ngày 23 tháng chạp. 

Trong đêm này, gia chủ sẽ chuẩn bị đầy đủ lễ vật để dâng tiễn ông Táo về trời bao gồm: bộ đồ dành cho táo quân ( gồm 2 ông và một bà hoặc một bộ tượng trưng tùy theo mỗi vùng miền sẽ có một cách thức khác nhau), giấy tiền vàng mã, các loại trai cây, chè ngọt, xôi, bánh, hoặc sang trọng hơn thì có làm mâm mặn với đủ các loại món khác nhau, thường theo nghi thức của người Bắc còn có thêm cá chép vàng sống để ông Táo cưỡi về trời. 

3. Chợ Tết.

Với người Việt, những ngày đi chợ Tết chuẩn bị và trang hoàng nhà cửa là những ngày vui vẻ và đầy không khí Tết nhất. Ai ai cũng sẽ đi qua những ngày này và để lại trong chính mình những cảm xúc rộn ràng khó quên dù là ở quê hay thành phố.

Chợ Tết đối với mỗi vùng miền cũng sẽ có những dư vị riêng, tuy nhiên đều chung một không khí nhộn nhịp, đầy màu sắc và đông vui như hội. Có khi, người ta đi chợ chẳng để sắm Tết mà chỉ đơn giản đi tận hưởng cái không khí Tết đang cận kề. 

Những ngày này, người ta đi chợ đông hơn, đi hằng ngày hay một ngày đi vài lượt, mua hết thứ này đến thứ kia để chuẩn bị cho cái Tết đủ đầy, no ấm. Chợ Tết của người Việt là nơi thể hiện một đặc sắc văn hóa riêng, nơi bày biện đủ các loại từ bánh mứt, đến rau thịt cá, đến hàng ngũ quả hay đủ đầy các đồ vật trang trí, sắc màu gì cũng có, khuôn mặt nào cũng tươi vui rộn ràng. Đặc biệt nhất là cái ngày chợ cuối năm, người ta khi vui vẻ hay bảo nhau ” y như chợ 30 Tết” thì hẳn đã nghĩ đến cái không khí nhộn nhịp như nào rồi đấy. 

4. Nấu bánh Chưng, bánh Tét. 

Bánh chưng, bánh tét thì không chỉ ngày Tết mới có, nhưng cả nhà từ người già đến trẻ nít quây quần bên nồi bánh chưng, bánh Tét để canh lửa, để tụ họp trò chuyện vui vẻ với nhau cả ngày trời thì chỉ có Tết mới có. Thế nên, vào ngày Tết đặc biệt ở các vùng quê thường hay gói bánh chưng, bánh tét, các cụ thì ngồi gói ghém tỉ mĩ, khéo léo cho ra những đòn bánh đẹp mắt còn trẻ con thì cùng nhau canh nồi bánh, chốc chốc lại đổ nước thêm lửa, hẳn là điều mà một năm dài đằng đẳng chẳng thấy được đâu. 

5. Chợ hoa ngày Tết. 

Những ngày cận Tết, đâu đâu cũng sẽ có sắc màu của hoa, mỗi vùng miền lại có những loài hoa đặc trưng riêng cho Tết,mỗi phiên chợ Tết lại có đủ các loại hoa nhưng nhiều nhất vẫn là hoa mai nếu ở miền Nam, hoa đào miền Bắc, hoa cúc, hoa hồng, hoa ly, hay huệ đỏ, huệ vàng… và còn đủ các loại cây cảnh khác nhau, tùy điều kiện của mỗi nhà hay sở thích mà sẽ chưng hoa tùy ý nhưng hầu như nhà nào cũng để riêng trên bàn mình một nhành hoa tươi, dâng lên bàn thờ, lễ Phật những bình hoa còn vươn sương sớm để một năm cũng tươi tắn như hoa vậy đấy. 

6. Lì xì Tết.

Nghe đến lì xì thì chắc hẳn ai cũng sẽ thích, đặc biệt nhất là trẻ con. Những phong bao đỏ đựng tiền may mắn là phong tục được mong chờ nhất trong ngày đầu năm mới chứa những điều cầu chúc tốt lành của các vị trưởng bối dành cho người nhỏ tuổi hơn và của con cháu dành cho ông bà mong được sống khỏe và sống thọ. 

7. Xông đất

Một trong những tục được coi trọng nhất ngày mồng Một Tết Nguyên Đán bởi từ lâu người ta đã quan niệm rằng mồng Một là ngày khởi đầu cho một năm mới nên luôn cầu mong những điều suôn sẻ, may mắn cho một năm dài. Thế nên, từ sau khi bước qua khắc giao thừa gia chủ thường luôn chọn người hoặc mong vị khách đầu tiên của mình sẽ phù hợp với vận mạng hoặc chỉ đơn giản là một người vui vẻ, đạo hạnh hay thành công ghé thăm nhà để mong được cả năm thuận lợi, an vui. 

Tết cổ truyền Việt Nam là một trong những phong tục thú vị và là dịp được mong chờ nhiều nhất không chỉ mang ý nghĩa bước qua năm cũ để đón một năm mới an khang thịnh vượng, mà còn là dịp để sum vầy, đoàn viên các thế hệ trong gia đình. 

Tết này, có ai dự định cùng nhau, cùng đưa ông bà, ba mẹ đón một cái Tết ở vùng miền đâu đó để cảm nhận cái khác lạ của Tết và tìm hiểu thêm về phong tục Tết khác không nhỉ? Thì đến với 7tours mình cùng khám phá nhé. 

Tags: